Căn cứ nào để yêu cầu tạm dừng cưỡng chế thu hồi đất là vấn đề mà nhiều người tìm hiểu khi có đất bị thu hồi. Theo quy định của pháp luật phải đủ điều kiện thì cơ quan chức năng mới có thể cưỡng chế thu hồi đất. Như vậy, trường hợp chưa đủ điều kiện thì các bạn có thể khiếu nại quyết định cưỡng chế thu hồi đất của cơ quan chức năng. Sau đây Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng cung cấp nội dung về vấn đề trên.
Cưỡng chế thu hồi đất đai |
Trường hợp nào thì tạm dừng cưỡng chế thu hồi đất?
Hiện nay, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định trực tiếp căn cứ tạm dừng cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai 2013 thì cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:- Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động, thuyết phục.
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.
- Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã lập biên bản.
Như vậy, khi đủ các điều kiện theo quy định trên thì Nhà nước mới có thể ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp không đủ điều kiện cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất thì Nhà nước không được tiến hành tổ chức cưỡng chế, nếu Nhà nước đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất thì phải ra thông báo tạm dừng cưỡng chế thu hồi đất lại ngay khi chưa đủ điều kiện.
Khiếu nại quyết định cưỡng chế thu hồi đất sai quy định pháp luật
Mẫu đơn khiếu nại
Trình tự thực hiện thủ tục khiếu nại
Trường hợp người bị cưỡng chế thu hồi đất nhận thấy Nhà nước ra quyết định cưỡng chế hồi đất khi chưa đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai 2013 thì người bị cưỡng chế thu hồi đất có thể thực hiện quyền khiếu nại theo quy định tại Luật Khiếu nại 2011.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế. Do đó, căn cứ Điều 7, Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 quy định về trình tự và thời hiệu khiếu nại quyết định cưỡng chế thu hồi đất như sau:
- Người bị cưỡng chế thu hồi đất gửi đơn khiếu nại lần đầu cùng với tài liệu, chứng cứ chứng minh đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất trái luật.
- Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc hết thời hạn quy định mà không được giải quyết, người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
- Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Khởi kiện hành chính đối với quyết định cưỡng chế thu hồi đất sai quy định pháp luật
Thẩm quyền giải quyết
Ngoài ra người bị cưỡng chế thu hồi đất cũng có thể khiếu kiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất đến Tòa án Nhân dân có thẩm quyền để giải quyết vụ việc. Cũng theo Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 thì trường hợp người bị cưỡng chế thu hồi đất không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần một hoặc khiếu nại lần hai thì cũng có thể khiếu kiện đến Tòa án Nhân dân có thẩm quyền để giải quyết vụ án.
Vì Quyết định cưỡng chế thu hồi đất do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện ban hành cho nên căn cứ Khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì người bị cưỡng chế thu hồi đất có thể khiếu kiện đến Tòa án Nhân dân cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện.
Quy trình khởi kiện
Bước 1: Nộp hồ sơ cho Tòa án- Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện kèm thơ tài liệu, chứng cứ và Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất cho Tòa án có thẩm quyền.
- Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn và ra thông báo đóng tạm ứng án phí cho người nộp đơn nếu hồ sơ hợp lệ.
Bước 2: Thụ lý vụ án
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo đóng tạm ứng án phí thì người khởi kiện phải đóng tạm ứng án phí và nộp lại biên lai thu tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý vụ án kể từ ngày người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
- Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.
Bước 3 Chuẩn bị xét xử
- Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án
- Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại giữa các đương sự.
- Tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.
Bước 4: Đối thoại
- Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, người bị kiện giữ nguyên quyết định, hành vi bị khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn giữ nguyên yêu cầu thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.
- Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
- Trường hợp qua đối thoại mà người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ Quyết định cưỡng chế thu hồi đất thì Tòa án lập biên bản về việc cam kết của đương sự. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản, người bị kiện phải gửi cho Tòa án quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt cưỡng chế thu hồi đất và người khởi kiện phải gửi cho Tòa án văn bản rút đơn khởi kiện. Hết thời hạn này mà một trong các đương sự không thực hiện cam kết của mình thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.
Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử
- Trường hợp người khởi kiện vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, người bị kiện giữ nguyên quyết định, hành vi bị khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn giữ nguyên yêu cầu thì Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết của bản án hành chính sơ thẩm thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án thì một trong các đương sự có thể kháng cáo lên Tòa án Nhân dân cấp cao để giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
CSPL: Điều 121, 125, 126, 127, 130, 140, 206 Luật Tố tụng Hành chính 2015
Án phí khởi kiện hành chính
Căn cứ Khoản 3 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 và Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/2016/UBTVQH14 thì mức tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm bằng mức án phí hành chính sơ thẩm là 300.000 đồng và mức tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm bằng mức án phí phúc thẩm là 300.000 đồng.
Theo Điều 31 và 32 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về người có nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí và án phí sơ thẩm khi khởi kiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất như sau:
- Người khởi kiện vụ án hành chính, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án hành chính phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm.
- Người yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
- Đương sự phải chịu án phí hành chính sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhân. Nếu yêu cầu của đương sự được Tòa án chấp nhận thì Ủy ban Nhân dân cấp huyện đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.
Theo Điều 33 và 34 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về người có nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí và án phí phúc thẩm khi khởi kiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất như sau:
- Người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm.
- Các đương sự trong vụ án hành chính kháng cáo về bồi thường thiệt hại phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.
- Đương sự kháng cáo phải nộp tiền án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo.
- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 348 của Luật tố tụng hành chính và Điều 32 của Nghị quyết này.
- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; nghĩa vụ nộp tiền án phí được xác định lại khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án.
Khởi kiện vụ án hành chính |
Như vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện chỉ được ra Quyết định cưỡng chế thu hồi đất khi đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai 2013. Trường hợp không đủ các điều kiện trên thì người bị cưỡng chế có thể khiếu nại theo Luật Khiếu nại 2011 hoặc khởi kiện hành chính theo Luật Tố tụng Hành chính 2015. Nếu Quý khách hàng có khó khăn hoặc thắc mắc gì về vấn đề trên, hãy vui lòng liên hệ đến hotline 1900.63.63.87 hoặc email chuyentuvanluat@gmail.com để Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng tư vấn kỹ hơn. Xin cảm ơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét