Theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Bộ luật tố
tụng dân sự năm 2015, ly hôn có tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn (là bất động
sản) là tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa
án.
1.
Xét về thẩm quyền tòa án theo cấp
Vụ án ly hôn có tranh chấp về bất động sản
quy định tại Khoản 1 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thuộc thẩm quyền của
Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng
dân sự năm 2015.
Vụ án ly hôn có tranh chấp về bất động sản
nhưng thuộc một trong các trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc
cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thuộc thẩm
quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng
dân sự năm 2015. Nhưng nếu giải quyết việc ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú
ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên
giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các quy
định khác của pháp luật Việt Nam thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp
huyện.
Vậy đương sự ở nước ngoài được hiểu như thế
nào cho đúng ?
Thứ nhất, đương sự ở nước ngoài theo tinh
thần Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP có hướng dẫn thuộc một trong các trường hợp dưới
đây:
(i) Đương sự là người nước ngoài không định
cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam
vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
(ii) Đương sự là người Việt Nam định cư,
làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam
vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
(iii) Đương sự là người nước ngoài định cư,
làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời
điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
(iv) Đương sự là người Việt Nam định cư,
làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời
điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
(v) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ
quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi
nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân
sự.
Tài sản ở nước ngoài theo tinh thần Nghị
quyết 03/2012/NQ-HĐTP là ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm
quyền của nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP là trường hợp
trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt
động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được, cần
phải yêu cầu cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước
ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực
hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo
nguyên tắc có đi có lại.
2.
Thẩm quyền tòa án theo lãnh thổ
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ là giới
hạn do pháp luật quy định xác định chức năng giải quyết các vụ việc dân sự của
Tòa án theo đơn vị hành chính cụ thể. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ được
quy định dựa vào các yếu tố: Nơi cư trú của đương sự, người yêu cầu; nơi có tài
sản tranh chấp; theo thỏa thuận của các chủ thể hoặc nơi xảy ra sự kiện pháp
lý. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ là cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp
về thẩm quyền giữa các Tòa án trong việc thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự.
Ly hôn quan hệ chính trong tranh chấp là về
nhân thân giữa vợ và chồng (chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng), các
bên có tranh chấp về bất động sản nhưng bất động sản phụ thuộc vào tranh chấp về
nhân thân giữa vợ và chồng. Theo tinh thần quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị quyết
03/2012/NQ-HĐTP hay Văn bản 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp vấn đề nghiệp vụ do Tòa
án nhân dân tối cao ban hành là giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao tại Khoản
1 Phần IV về tố tụng dân sự, thi hành án dân sự: Vụ án ly hôn, tranh chấp về
nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền
giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 39
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; cụ thể là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư
trú, làm việc của nguyên đơn thì Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn có
thẩm quyền giải quyết.
Nhận xét
Đăng nhận xét