1.
Thực tiễn hỏi cung bị can
Thực tiễn điều tra đã chứng minh, vẫn còn tồn
tại nhiều hạn chế, sai sót trong hoạt động hỏi cung của cơ quan điều tra (CQĐT)
như Điều tra viên đã vô tình hay cố ý thu thập chứng cứ bằng những biện pháp
không hợp pháp hoặc cố tình làm sai lệch những chứng cứ đã thu thập được. Thậm
chí, đôi lúc và tại một số địa phương vẫn tồn tại những hình thức thô bạo, trái
pháp luật, khủng bố về tinh thần, tra tấn về thể xác để lấy cung bị can. Điều
này dẫn đến việc xử lý tội phạm không đúng, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình
giải quyết vụ án, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá
nhân, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, từ đó gián tiếp xâm phạm tới
hoạt động tư pháp, làm giảm uy tín của CQĐT nói riêng và các cơ quan tiến hành
tố tụng khác nói chung. Những sai phạm này chủ yếu là người có thẩm quyền không
tuân thủ triệt để những quy định của Bộ luật TTHS trong quá trình hỏi cung. Sự
không tuân thủ nghiêm chỉnh về hoạt động hỏi cung được biểu hiện ở một số dạng
cơ bản sau:
Thứ nhất, Điều tra viên có những hành vi vi
phạm các quy định của pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) trong hoạt động hỏi cung. (vi phạm về hình thức).
Điều tra viên đã cố ý sửa chữa ngày tháng của
các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho “khớp” hay cố tình không đưa vào hồ sơ vụ
án nhiều tài liệu có lợi cho bị can mà Điều tra viên đã thu thập được trước đó.
Chỉ đến khi tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm
và yêu cầu bổ sung chứng cứ thì những tài liệu mới “xuất hiện”. Thậm chí, trong
quá trình hỏi cung, Điều tra viên đã lấy lời khai của bị can bằng cách quay
video nhưng không lập biên bản cũng không phát lại cho bị can xem; mớm cung cho
các bị can bằng cách cho các bị can nghe băng cassette, xem băng video về lời
khai của những người có liên quan tới vụ án khác trước khi trả lời. Hoạt động
này đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc thu thập chứng cứ mà
pháp luật tố tụng hình sự đã nghiêm cấm.
Thứ hai, Điều tra viên áp dụng các biện
pháp hỏi cung trái pháp luật như bức cung, dùng nhục hình (vi phạm về nội
dung). Đây là biểu hiện phổ biến của hành vi vi phạm pháp luật của CQĐT đã và
đang được phát hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Theo báo cáo kết
quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố
tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng
hình sự theo quy định của pháp luật”, trên thực tế còn xảy ra trường hợp bức
cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, vi phạm pháp luật nghiêm trọng,
xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội
phạm và dễ dẫn đến oan, sai. Đáng lưu ý thời gian gần đây đã xảy ra các vụ
dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư
luận như 05 Công an ở Tuy Hòa (Phú Yên) nhục hình dẫn đến cái chết của anh Ngô
Thanh Kiều; Điều tra viên (Công an Sóc Trăng) đã dùng nhục hình ép bị can Trần
Văn Đở và 6 bị can khác phải khai theo ý chí của mình là đồng phạm trong vụ giết
người, cướp tài sản dẫn đến việc khởi tố, bắt giam oan 7 người; Điều tra viên
(Bắc Giang) nhục hình nghiêm trọng đối với bị can Nguyễn Thị Nguyệt Nga…
Thứ ba, về việc bảo đảm thực hiện quyền bào
chữa của bị can trong quá trình hỏi cung trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Mặc
dù, Bộ luật TTHS quy định CQĐT cần phải luôn tạo điều kiện để bảo đảm cho bị
can thực hiện quyền bào chữa. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật của một số người
còn hạn chế và yếu tố tâm lý e ngại nên thực tế những người này không dám thực
hiện quyền tự bào chữa cho mình. Phần khác là do sự gây sức ép từ phía Điều tra
Viên. Theo quy định của Bộ luật TTHS hiện hành, người bào chữa có quyền có mặt
khi hỏi cung bị can, nếu được điều tra viên đồng ý thì được hỏi bị can. Theo
quy định này thì việc có cho phép được hỏi bị can hay không là hoàn toàn phụ
thuộc vào ý chí chủ quan của Điều tra viên, có trường hợp Điều tra viên không
cho người bào chữa hỏi mà chỉ cho “ngồi nghe” hỏi cung. Điều tra viên dường như
không để ý đến sự có mặt của người bào chữa và ý kiến đề xuất của họ. Một số luật
sư cho rằng họ có thể “hỏi thân chủ, giải thích hoặc tư vấn cho thân chủ về câu
hỏi của điều tra viên”. Nhưng điều này phải được sự cho phép của ĐTV theo quy định
của pháp luật. Nhiều luật sư cho biết đa số các buổi “tổng cung” này thì luật
sư và khách hàng mới gặp nhau lần đầu tiên. Cho nên hiệu quả làm việc giữa luật
sư và khách hàng là không cao. Do vậy, trong việc tham gia hỏi cung, họ gặp rất
nhiều khó khăn khi thực hiện quyền bào
chữa của mình.
2.
Vai trò của luật sư trong quá trình hỏi cung
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng
Hình sự 2015 thì Người bị buộc tội được coi là KHÔNG CÓ TỘI cho đến khi được chứng
minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của
Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Trong quá trình làm việc tại cơ quan điều
tra, công dân được Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể theo quy định tại
Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và được bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự,
nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân theo quy
định tại Điều 11 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Theo quy định tại Khoản 03 Điều 83 và Khoản
2 Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì luật sư được quyền thực hiện những
hành vi sau để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ:
Thứ nhất, được THAM GIA CÁC BUỔI LẤY LỜI
KHAI người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc
Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền
hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Đọc, ghi chép, sao chụp những
tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và
đương sự sau khi kết thúc điều tra.
Thứ hai, ĐƯỢC THAM GIA các buổi đối chất,
nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
Thứ ba, kiểm tra, đánh giá và trình bày ý
kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
Thứ tư, được quyền thu thập, cung cấp các
tài liệu, đồ vật được xem là chứng cứ để bảo vệ cho thân chủ.
Thứ năm, được khiếu nại quyết định, hành vi
tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Xem thêm các bài viết khác của chúng tôi tại: chuyentuvanphapluat.com.
Nhận xét
Đăng nhận xét