Khi nhận được đơn
kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền phải
thực hiện những công việc trước khi gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị
cho tòa án cấp phúc thẩm. Cụ thể như sau:
-
Kiểm tra đơn kháng
cáo
(Điều 275 BLTTDS 2015): khi nhận hồ sơ phúc thẩm, thẩm phán cần kiểm ra hồ sơ
về hình thức (quyết định kháng nghị, đơn kháng cáo có hợp lệ không, còn thời
hạn được kháng cáo, kháng nghị không) lẫn nội dung (nội dung kháng cáo, quyết
định kháng nghị và nội dung của vụ án). Trong quá trình xem xét đơn, Tòa án cấp
sơ thẩm có thể yêu cầu người kháng cáo làm lại, bổ sung hoặc sửa đổi đơn kháng
cáo (chưa đầy đủ các nội dung theo quy định); hoặc trả lại đơn kháng cáo (nếu
người kháng cáo không chịu sửa chữa, bổ sung hoặc trường hợp người kháng cáo
không thuộc đối tượng có quyền được kháng cáo); hoặc áp dụng những quy định về
kháng cáo quá hạn để giải quyết những trường hợp quá thời hạn kháng cáo.
-
Thông báo nộp tiền
tạm ứng án phí phúc thẩm (Điều 276 BLTTDS 2015): khi đơn kháng cáo đáp ứng đầy
đủ các yêu cầu thì tòa án cấp sơ thẩm thông báo người kháng cáo nộp tiền tạm
ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp. VKS kháng
nghị theo thủ tục phúc thẩm không phải nộp tạm ứng án phí. Trong thời hạn 10
ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí
phúc thẩm, người kháng cáo có nghĩa vụ nộp tiền và biên lai nộp tiền tạm ứng án
phí cho Tòa án sơ thẩm. Quá thời hạn trên, Tòa án trả lại đơn kháng cáo, trừ
trường hợp có lý do chính đáng bằng văn bản.
-
Thông báo việc
kháng cáo, kháng nghị (Điều 277 BLTTDS 2015): sau khi chấp nhận đơn kháng
cáo, tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp và các đương sự
có liên quan biết về việc kháng cáo; và không phải thông báo cho chính người đã
kháng cáo. Người nhận được thông báo của tòa án có quyền gửi ý kiến của mình
cho Tòa án cấp phúc thẩm và văn bản này sẽ được đưa vào hồ sơ vụ án. Riêng đối
với việc kháng nghị thì VKS phải gửi ngay cho đương sự có liên quan quyết định
kháng nghị của mình, đương sự khi nhận được có quyền nêu văn bản ý kiến của
mình và văn bản này sẽ được đưa vào hồ sơ vụ án.
-
Gửi hồ sơ vụ án và
kháng cáo, kháng nghị cho tòa án cấp phúc thẩm (Điều 283 BLTTDS 2015): trong
thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị hoặc hết thời hạn
kháng cáo, người kháng cáo đã nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí
phúc thẩm thì Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi cho Tòa án cấp
phúc thẩm hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu chứng cứ bổ sung kèm theo.
Kể từ khi nhận được
hồ sơ có kháng cáo, kháng nghị do Tòa án cấp sơ thẩm chuyển lên, thì Tòa án cấp
phúc thẩm thực hiện việc:
-
Thụ lý vụ án dân sự
(Điều
185 BLTTDS 2015)
Ngay sau khi nhận
được hồ sơ vụ án, kháng cáo kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo thì Tòa
án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý vụ án và trong 03 ngày làm việc thì phải
thông báo bằng văn bản cho các đương sự, VKS cùng cấp biết về việc đã thụ lý vụ
án. Chánh án tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử và phân công một
Thẩm phán làm Chủ tọa phiên tòa. Theo điều 64 BLTTDS 2015 thì Hội đồng xét xử
gồm có 03 Thẩm phán, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
và không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân.
-
Chuẩn bị xét xử
phúc thẩm
Thời hạn chuẩn bị
xét xử phúc thẩm là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án (Điều 286 BLTTDS 2015) và
có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 01 tháng (nếu vụ án có tính chất phức
tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan). Thời hạn nêu trên
không áp dụng đối với vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc có yếu tố nước
ngoài. Trong thời hạn này, Tòa cấp phúc thẩm ra một trong ba quyết định sau:
-
Tạm đình chỉ xét xử
phúc thẩm vụ án (Điều 288 BLTTDS 2015): nếu trong quá trình giải quyết vụ án thấy có
những căn cứ cần phải tạm đình chỉ thì Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định tạm
đình chỉ xét xử phúc thẩm. Hậu quả của việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án
và tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án được thực hiện tương tự như tạm đình chỉ
giải quyết vụ án dân sự cấp sơ thẩm. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay
và được gửi cho đương sự, cơ quan tổ chức, cá nhân khởi kiện, VKS cùng cấp.
-
Đình chỉ xét xử
phúc thẩm vụ án (Điều 289 BLTTDS 2015): quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm có hiệu lực
thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Hậu quả
pháp lý của việc đình chỉ xét xử phúc thẩm chỉ dẫn đến việc ngừng xét xử phúc
thẩm mà không ảnh hưởng đến những hoạt động tố tụng trước đó, bản án, quyết
định sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết
định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
-
Đưa vụ án ra xét xử
phúc thẩm: nếu không thuộc vào các trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải
quyết thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và quyết định này
phải được gửi cho đương sự, VKS cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ
ngày ra quyết định; đồng thời chuyển hồ sơ vụ án cho VKS nghiên cứu trong 15
ngày, hết thời hạn đó, VKS phải trả lại hồ sơ vụ án. Sau khi có quyết định đưa
vụ án ra xét xử thì trong thời hạn 01 tháng, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm
và được gia hạn thêm 01 tháng nếu có lý do chính đáng về việc không mở được
phiên tòa.
- Xét xử phúc thẩm
Những người tham
gia phiên tòa phúc thẩm: bao gồm người kháng cáo, đương sự, cơ quan, tổ chức cá
nhân có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị và người bảo về
quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Ngoài ra những người tham gia tố tụng
khác chỉ được Tòa án triệu tập khi xét thấy cần thiết. Đặc biệt, trong tất cả
các phiên tòa phúc thẩm bắt buộc phải có mặt của Kiểm sát viên đại diện VKS để
thực hiện quyền kiểm sát của mình. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì
Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp VKS có kháng nghị phúc thẩm.
Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp VKS có kháng nghị phúc thẩm.
Thủ tục tiến hành
phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự: từ Điều 297 đến Điều 315 BLTTDS 2015 thì về
cơ bản, thủ tục của một phiên tòa phúc thẩm tương tự như thủ tục của một phiên
tòa sơ thẩm:
Theo các điều từ
Điều 308 đến Điều 312 BLTTDS 2015 thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:
-
Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
-
Sửa bản án sơ thẩm.
-
Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và
chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
-
Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
-
Đình chỉ xét xử phúc thẩm.
-
Tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Cuối cùng, Hội đồng
xét xử ra bản án, quyết định phúc thẩm cuối cùng và được gửi cho đương sự, các
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thi
hành trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định. Ngoài ra còn phải niêm
yết công khai tại trụ sở Tòa án và công bố công khai trên một trong các báo
hàng ngày của Trung ương hoặc địa phương trong 03 số liên tiếp nếu bản án,
quyết định có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã
hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện.
Xem thêm các bài viết khác của chúng tôi tại: chuyentuvanphapluat.com.
Nhận xét
Đăng nhận xét