Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Nhà ở
2014 thì: “Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho
thuê mua theo cơ chế thị trường.” Điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở
thương mại là Doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định
của pháp luật Việt Nam; Có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của
pháp luật. Ngoài ra, các doanh nghiệp này phải có vốn pháp định theo quy định của
pháp luật kinh doanh bất động sản và có vốn ký quỹ để thực hiện đối với từng dự
án theo quy định của pháp luật về đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại
phải được lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định của
Luật Nhà ở 2014 và pháp luật về xây dựng.
1. Điều kiện
chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại
Căn cứ Điều 32 Thông tư
19/2016/TT-BXD, điều kiện chuyển nhượng hợp đồng bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân mua nhà ở của
chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại chưa nhận bàn giao nhà ở hoặc đã nhận
bàn giao nhà ở nhưng hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan nhà
nước có thẩm quyền;
b) Tổ chức, cá nhân nhận chuyển
nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại có quyền chuyển nhượng tiếp hợp đồng
này cho tổ chức, cá nhân khác khi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận chưa nộp
cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trình tự, thủ tục thực hiện như lần đầu
chuyển nhượng (Khoản 4 Điều 33 Thông tư 19/2016/TT-BXD).
c) Việc chuyển nhượng hợp đồng
mua bán nhà ở thì phải chuyển nhượng hợp đồng theo từng căn nhà riêng lẻ hoặc từng
căn hộ. Trường hợp hợp đồng mua bán với chủ đầu tư có nhiều nhà ở (căn hộ, căn
nhà riêng lẻ) thì phải chuyển nhượng toàn bộ số nhà trong hợp đồng đó; nếu bên
chuyển nhượng có nhu cầu chuyển nhượng một hoặc một số nhà ở trong tổng số nhà ở
đã mua của chủ đầu tư thì bên chuyển nhượng phải lập lại hợp đồng mua bán nhà ở
hoặc phụ lục hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư cho những nhà ở chuyển nhượng
trước khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng hợp đồng.
2. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại
Trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp
đồng mua bán nhà ở thương mại được thực hiện theo Điều 33 Thông tư 19/2016/TT-BXD
như sau:
Bước 1: Lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở.
Bên chuyển nhượng và bên nhận
chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thống nhất lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng
mua bán nhà ở. Văn bản chuyển nhượng hợp đồng do hai bên ký kết được lập thành
06 bản (03 bản để bàn giao cho chủ đầu tư lưu, 01 bản nộp cho cơ quan thuế, 01
bản bên chuyển nhượng hợp đồng lưu, 01 bản bên nhận chuyển nhượng hợp đồng
lưu); trường hợp văn bản chuyển nhượng hợp đồng phải thực hiện công chứng, chứng
thực thì có thêm 01 bản để lưu tại cơ quan công chứng, chứng thực.
Nội dung văn bản chuyển nhượng hợp
đồng mua bán nhà ở được thể hiện cụ thể tại Căn cứ Khoản 1 Điều 34 Thông tư
19/2016/TT-BXD như sau:
i. Thông tin về bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng, nếu
là cá nhân thì ghi thông tin về cá nhân; nếu là tổ chức thì ghi tên tổ chức và
người đại diện theo pháp luật;
ii. Số, ngày, tháng năm của hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu
tư;
iii. Giá chuyển nhượng hợp đồng, thời hạn và phương thức thanh
toán;
iv. Quyền và nghĩa vụ của các bên;
v. Giải quyết tranh chấp;
vi. Các thỏa thuận khác.
Mẫu văn bản chuyển nhượng hợp đồng
mua bán nhà ở theo hướng dẫn tham khảo tại phụ lục số 24 ban hành kèm theo
Thông tư 19/2016/TT-BXD.
Bước 2: Công chứng, chứng thực văn bản chuyển nhượng hợp đồng
mua bán nhà
Thứ nhất, trường
hợp bên chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở không phải là doanh nghiệp, hợp
tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh
doanh bất động sản thì văn bản chuyển nhượng hợp đồng phải được công chứng hoặc
chứng thực. Hồ sơ đề nghị công chứng hoặc chứng thực gồm các giấy tờ sau:
- 07 bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
- Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư dự án
xây dựng nhà ở thương mại; trường hợp chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì
phải kèm theo bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng của lần chuyển nhượng liền
kề trước đó; trường hợp chuyển nhượng một hoặc một số nhà ở trong tổng số nhà ở
đã mua của chủ đầu tư theo hợp đồng gốc thì phải nộp bản sao có chứng thực hợp
đồng gốc và bản chính phụ lục hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư cho
những nhà ở chuyển nhượng;
-
Bản sao có chứng thực hoặc bản sao và phải xuất trình bản chính để đối chiếu của
các giấy tờ: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn
giá trị nếu là cá nhân; nếu là tổ chức thì phải kèm theo quyết định thành lập
hoặc giấy đăng ký thành lập tổ chức đó;
- Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật về công chứng,
chứng thực. Tổ chức hành nghề công chứng, Cơ quan chứng thực có trách nhiệm
công chứng, chứng thực vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng theo thời hạn quy định
của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Thứ hai, trường
hợp bên chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở là doanh nghiệp, hợp tác xã có chức
năng kinh doanh bất động sản thì việc công chứng hoặc chứng thực văn bản chuyển
nhượng hợp đồng không bắt buộc mà do các bên tự thỏa thuận.
Bước 3: Nộp hồ sơ đề nghị chủ đầu tư xác nhận
Sau khi thực hiện các nghĩa vụ nộp
thuế, phí, lệ phí cho việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định,
bên nhận chuyển nhượng nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị chủ đầu tư xác nhận vào văn bản
chuyển nhượng hợp đồng.
Hồ sơ đề nghị chủ đầu tư xác nhận
bao gồm các giấy tờ sau đây:
- 05 bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở
trong đó có 01 bản của bên chuyển nhượng (trường hợp phải công chứng, chứng thực
thì phải thực hiện việc công chứng, chứng thực trước khi nộp cho chủ đầu tư);
- Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư dự án
xây dựng nhà ở thương mại; trường hợp chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì
phải kèm theo bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng của lần chuyển nhượng liền
kề trước đó; trường hợp chuyển nhượng một hoặc một số nhà ở trong tổng số nhà ở
đã mua của chủ đầu tư theo hợp đồng gốc thì phải nộp bản sao có chứng thực hợp
đồng gốc và bản chính phụ lục hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư cho
những nhà ở chuyển nhượng; trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở thì phải có thêm bản
sao có chứng thực biên bản bàn giao nhà ở;
- Biên lai nộp thuế cho việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán
nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh về việc được miễn thuế theo quy định pháp luật về
thuế;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao và phải xuất trình bản
chính để đối chiếu các giấy tờ của bên nhận chuyển nhượng: Chứng minh nhân dân
hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương nếu là cá
nhân; nếu là tổ chức thì phải kèm theo quyết định thành lập hoặc giấy đăng ký
thành lập tổ chức đó.
Chủ đầu tư có
trách nhiệm xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng trong thời hạn tối đa
là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ và bàn giao lại cho bên nộp
hồ sơ các giấy tờ sau đây:
- 02 văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở đã có xác
nhận của chủ đầu tư, trong đó có 01 bản của bên chuyển nhượng và 01 bản của bên
nhận chuyển nhượng;
- Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư dự án
xây dựng nhà ở thương mại; bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng của lần
chuyển nhượng liền kề trước đó (đối với trường hợp chuyển nhượng từ lần thứ hai
trở đi); bản sao có chứng thực hợp đồng mua bán nhà ở và bản chính phụ lục hợp
đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư cho những nhà ở chuyển nhượng (đối với
trường hợp chuyển nhượng một hoặc một số nhà ở trong tổng số nhà ở đã mua của
chủ đầu tư theo hợp đồng gốc); bản sao có chứng thực biên bản bàn giao nhà ở (đối
với trường hợp chủ đầu tư đã bàn giao nhà ở);
- Biên lai nộp thuế cho việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán
nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh về việc được miễn thuế theo quy định pháp luật về
thuế.
Trường hợp
không xác định được chủ đầu tư (do giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động hoặc
lý do khác theo quy định của pháp luật), việc xác nhận văn bản chuyển nhượng được
thực hiện như sau:
- Trường hợp việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở đã thực
hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà nhà ở chuyển nhượng chưa
được cấp Giấy chứng nhận thì văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở phải
được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở xác nhận về việc chuyển nhượng hợp đồng;
- Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không đủ cơ sở để xác nhận
thì Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai bản sao văn bản chuyển nhượng hợp
đồng mua bán nhà ở tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, Tổ dân phố nơi có nhà ở
đó; nếu quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày niêm yết công khai bản sao văn bản chuyển
nhượng hợp đồng mà không có tranh chấp, khiếu kiện thì Ủy ban nhân cấp xã xác
nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở về việc không có tranh chấp,
khiếu kiện để cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho bên nhận
chuyển nhượng.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận
Bên nhận chuyển nhượng hợp đồng
mua bán nhà ở cuối cùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận
theo quy định của pháp luật về đất đai.
Khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng
nhận, ngoài các giấy tờ theo quy định của pháp luật về đất đai, bên đề nghị cấp
Giấy chứng nhận phải nộp thêm cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận các giấy tờ sau:
- Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư; trường
hợp chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì phải kèm theo bản chính văn bản
chuyển nhượng hợp đồng của lần chuyển nhượng liền kề trước đó; trường hợp chuyển
nhượng một hoặc một số nhà ở trong tổng số nhà ở đã mua của chủ đầu tư theo hợp
đồng gốc thì phải nộp bản sao có chứng thực hợp đồng gốc và bản chính phụ lục hợp
đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư cho những nhà ở chuyển nhượng; trường hợp
đã nhận bàn giao nhà ở thì phải có thêm bản chính biên bản bàn giao nhà ở;
- Bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng cuối cùng đã có xác
nhận của chủ đầu tư.
Xem thêm các bài viết khác của chúng tôi tại: chuyentuvanphapluat.com.
Nhận xét
Đăng nhận xét