6.2. Thực
hiện hợp đồng
Thực hiện hợp đồng dân sự là việc các bên tiến hành
các hành vi mà mỗi bên tham gia hợp đồng phải thực hiện nhằm đáp ứng những quyền
dân sự tương ứng của bên kia. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự, các bên phải
tuân theo các nguyên tắc như thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng,
số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác. Thực hiện một
cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên nhưng không
được xâm phạm đến công cộng, lợi ích hợp pháp của người khác.
Nội
dung thực hiện
Khi thực hiện hợp đồng dân sự ngoài
việc tuân thủ các quy tắc đã được quy định thì việc thực hiện hợp đồng còn phải
tuân thủ theo những quy tắc nhất định đối với từng loại hợp đồng cụ thể như
sau:
Thứ nhất, đối với hợp đồng đơn vụ, căn cứ Điều 409 BLDS 2015, bên có nghĩa vụ
phải thực hiện nghĩa vụ đúng như đã thoả thuận; chỉ được thực hiện trước hoặc
sau thời hạn nếu được bên có quyền đồng ý.
Thứ hai, đối với hợp đồng song vụ: Căn cứ Điều 410 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, trong hợp đồng
song vụ, khi các bên đã thoả thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải
thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do
bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ các trường hợp sau đây:
Điều
411 BLDS 2015:
+
Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực
hiện nghĩa vụ, nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút
nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến
khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực
hiện nghĩa vụ.
+ Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau
có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa
thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn.
Điều
413 BLDS 2015: Trong hợp đồng song vụ,
khi một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi của bên kia thì có
quyền yêu cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hoặc hủy bỏ hợp
đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp các bên không thoả thuận
bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ
đối với nhau; nếu nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi
thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.
Một số trường hợp xảy ra trong thực
hiện hợp đồng
Thứ nhất, cầm giữ tài sản trong hợp đồng
song vụ;
Theo
Điều
412 BLDS 2015, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực
hiện đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền xác lập quyền cầm giữ tài sản đối
với tài sản của bên có nghĩa vụ theo quy định từ Điều 346 đến Điều 350 BLDS 2015.
Thứ hai, không thực hiện nghĩa vụ nhưng
không do lỗi của các bên;
Theo
Điều
414 BLDS 2015, trong hợp đồng song vụ, nếu một bên không thực hiện được
nghĩa vụ mà các bên đều không có lỗi thì bên không thực hiện được nghĩa vụ
không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trường hợp một
bên đã thực hiện được một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện
phần nghĩa vụ tương ứng đối với mình.
Thứ ba, thực hiện hợp đồng vì lợi ích của
người thức ba;
Theo
Điều
415 BLDS 2015, khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì
người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ
đối với mình; nếu các bên trong hợp đồng có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng
thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp
được giải quyết. Bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp
đồng vì lợi ích của người thứ ba.
Thứ tư, quyền từ chối của người thứ ba;
Theo
Điều
416 BLDS 2015, người thứ ba có quyền từ chối lợi ích của mình. Trong trường
hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện
nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải thông
báo cho bên có quyền và hợp đồng được coi là bị hủy bỏ, các bên phải hoàn trả
cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau
khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn
thành và bên có quyền vẫn phải thực hiện cam kết đối với bên có nghĩa vụ. Trong
trường hợp này, lợi ích phát sinh từ hợp đồng thuộc về bên mà nếu hợp đồng
không vì lợi ích của người thứ ba thì họ là người thụ hưởng, trừ trường hợp có
thỏa thuận khác.
Thứ năm, không được sửa đổi hoặc hủy bỏ
hợp đồng vì lời ích của người thứ ba;
Theo
Điều
417 BLDS 2015, khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng
chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy
bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý.
Thứ sáu, thỏa thuận phạt vi phạm;
Theo
Điều
418 BLDS 2015, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng,
theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt
vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm
mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải
bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng
không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt
hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Thứ bảy, thiệt hại được bồi thường do vi
phạm hợp đồng;
Theo
Điều
419 BLDS 2015, người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi
ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể
yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ
hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng
mang lại. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ
bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án
quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.
Ngoài
ra, theo Điều 13 BLDS 2015, cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm
được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc
luật có quy định khác. Điều 360 BLDS 2015 quy định, trường
hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường
toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác
Thứ tám, thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh
thay đổi cơ bản;
Theo
Khoản
1 Điều 420 BLDS 2015, hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi đáp ứng đủ các điều
kiện sau:
a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên
nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng,
các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu
như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết
nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng
mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một
bên;
đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã
áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất
của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Khi
hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia
đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Trường hợp các bên không thể
thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong
các bên có thể yêu cầu Tòa án:
a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời
điểm xác định;
b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền
và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa
án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp
đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được
sửa đổi (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 420 BLDS 2015).
Trong
quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các
bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp
có thỏa thuận khác (Khoản 4 Điều 420 BLDS 2015).
Xem thêm các bài viết khác của chúng tôi tại: chuyentuvanphapluat.com.
Nhận xét
Đăng nhận xét