1. Khái niệm quyền sở hữu
Bộ
luật dân sự đưa ra định nghĩa về quyền sở hữu bằng phương pháp liệt kê. Cụ thể,
theo Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), quyền
sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của
chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Bên cạnh quyền sở hữu, bộ luật dân sự
còn quy định về quyền khác đối với tài sản. Căn cứ Điều 159 BLDS 2015, quyền khác đối với tài sản không phải là
quyền của chủ sở hữu mà là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài
sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, bao gồm các quyền như: quyền đối với
bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.
2.
Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài
sản
Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở
hữu, quyền khác đối với tài sản quy định tại Điều 160 BLDS 2015. Theo
đó:
- Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định. Riêng đối với quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.
- Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật này, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.
3.
Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
Theo Điều 161 BLDS 2015, thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác
đối với tài sản trước hết phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu luật
không có quy định mới thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Và cuối cùng, khi
luật không quy định và cũng không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập là thời
điểm tài sản được chuyển giao - thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp
pháp của họ chiếm hữu tài sản. Trong trường hợp tài sản chưa được chuyển giao
mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản
chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4.
Chịu rủi ro về tài sản
Về nguyên tắc, người nào sở
hữu tài sản thì phải chịu rủi ro về chính tài sản mà mình sở hữu. Theo Khoản 1 Điều 162 BLDS 2015, chủ sở
hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa
thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Đối với quyền khác đối với tài sản
thì chủ thể có quyền phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình trừ trường hợp có thỏa thuận
khác với chủ sở hữu tài sản hoặc pháp luật có quy định khác.
5.
Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác
đối với tài sản
Quyền sở hữu là một chế định quan trong
trong pháp luật dân sự. quyền sở hữu là quyền không ai có thể bị hạn chế, bị
tước đoạt trái luật. Do đó, việc bảo vệ quyền sở hữu là rất quan trọng. Để bảo
vệ quyền sở hữu cũng như quyền khác đối với tài sản, chủ sở hữu, chủ thể có
quyền khác đối với tài sản có các cách thức thực hiện quy định tại Điều
164 BLDS 2015 như sau:
a) Chủ sở hữu, chủ
thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người
nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy
định của pháp luật.
b) Chủ sở hữu, chủ
thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có
thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm
dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối
với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Pháp luật dân sự cũng quy định một số
quyền của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản để bảo vệ quyền của
mình. Cụ thể:
Thứ nhất, quyền đòi lại tài sản;
Theo Điều
166 BLDS 2015, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có
quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi
về tài sản không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, chủ sở hữu không có quyền đòi
lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.
Thứ hai, quyền đòi lại động sản không
phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình;
Theo Điều
167 BLDS 2015, chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký
quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp sau:
a) Người chiếm hữu
ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người
không có quyền định đoạt tài sản;
b) Trường hợp hợp
đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu
động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí
của chủ sở hữu.
Thứ ba, quyền đòi lại động sản phải
đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình
Theo Điều
168 BLDS 2015, đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động
sản thì chủ sở hữu vẫn có quyền đòi lại từ người chiếm hữu ngay tình trừ trường
hợp quy định tại Khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 như sau:
"Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã
được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng
một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào
việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô
hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ
quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu,
trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu
giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết
định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ
thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy,
sửa".
Theo quy định
trên, giao dịch dân sự bị vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký và sau đó, tài
sản này được tiếp tục đem giao dịch cho người thứ ba thì giao dịch sau không bị
vô hiệu. Do đó, tài sản thuộc sở hữu của người thứ ba nên không có quyền đòi
lại. Trong trường hợp, tài sản chưa đăng ký, thì giao dịch dân sự với người thứ
ba vẫn có thể không bị vô hiệu trong trường hợp họ nhận được tài sản này thông
qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản
án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng
sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị
hủy, sửa.
Thứ tư, quyền yêu cầu chấm dứt hành vi
cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền;
Theo Điều
169 BLDS 2015, chủ thể thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài
sản có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành
vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc
người đó chấm dứt hành vi vi phạm.
Thứ năm, quyền yêu cầu bồi thường thiệt
hại.
Theo Điều
170 BLDS 2015, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có
quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài
sản bồi thường thiệt hại.
Xem thêm các bài viết khác của chúng tôi tại: chuyentuvanphapluat.com.
Nhận xét
Đăng nhận xét